wave
SEO

Bounce rate trong Google Analytics có ý nghĩa gì?

Google Analytics là một công cụ mạnh mẽ giúp đo lường và theo dõi sự phát triển của website. Trong đó, bounce rate là một trong các chỉ số thống kê quan trọng của Google Analytics. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về bounce rate và các phương pháp cải thiện bounce rate.

Bounce rate là gì?

Bounce rate (tỷ lệ phiên thoát) là thuật ngữ dùng trong đo lường hiệu quả lưu lượng truy cập của Google Analytics. Bounce rate là tỷ lệ phần trăm khách truy cập web của bạn chỉ xem một trang và rời khỏi ngay sau đó.

Theo Google, một session (phiên) được tính là phiên thoát khi phiên đó chỉ gởi một kết nối đến máy chủ của Google Analytics. Ví dụ như khi người dùng chỉ xem một trang đơn trên trang web và sau đó thoát ra. Ở trong phiên này, người dùng chỉ đơn giản lướt xem nội dung mà không click vào menu hay đến các bài viết khác trên trang, không thực hiện bất kỳ tương tác nào với trang web của bạn cả.

Chúng ta có thể sử dụng bounce rate như một tiêu chuẩn để đo lường chất lượng nội dung trên trang web. Một trang web có nội dung chất lượng thì thường sẽ có mức độ tương tác cao. Người dùng tương tác với trang web của bạn càng nhiều thì tỷ lệ bounce rate càng thấp.

Cách tính bounce rate

Tỷ lệ bounce rate được tính bằng cách chia số phiên trang đơn cho tổng số phiên xem trang đó. Đơn vị tính là phần trăm (%).

Lưu ý, vì không có bất kỳ tương tác nội bộ nào trong phiên trang đơn nên Google Analytics không thể đo được thời lượng sử dụng phiên. Do đó, thời lượng phiên trang đơn sẽ được tính bằng 0 giây. Các bạn có thể xem thêm cách Analytics tính thời lượng phiên.

Bounce rate và Exit rate

Rất nhiều bạn dễ nhầm lẫn giữa Bounce rate và Exit rate. Exit rate(tỷ lệ thoát) của một trang là tỷ lệ phần trăm trang đó là trang cuối cùng mà người dùng xem trong một phiên(session).
Để phân biệt rõ ràng về hai khái niệm này, các bạn hãy xem ví dụ bên dưới. Giả sử chúng ta có các phiên xem trang như sau:

  • Session 1: Page B > Page A > Page C > Thoát
  • Session 2: Page C > Thoát
  • Session 3: Page A > Page C > Page B > Thoát
  • Session 4: Page B > Thoát
  • Session 5: Page B > Page C > Page A > Thoát

Trong ví dụ trên, tỷ lệ Bounce rate và Exit rate sẽ được tính như sau.

Tỷ lệ bounce rate:

  • Page A: 0% (có 1 session bắt đầu với page A và đó không phải là session đơn)
  • Page B: 33% (có 3 sesion bắt đầu với page B và trong đó có 1 sesion đơn)
  • Page C: 100% (có 1 session bắt đầu với page C và session đó là session đơn)

Tỷ lệ Exit rate:

  • Page A: 33% (có 3 session có page A và trong đó 1 session kết thúc với page A)
  • Page B: 50% (có 4 session có page B và trong đó 2 session kết thúc với page B)
  • Page C: 50% (có 4 session có page C và trong đó 2 session kết thúc với page C)

Bounce rate và SEO

Có rất nhiều bạn thắc mắc rằng chỉ số bounce rate ảnh hưởng thế nào đến SEO. Thực tế, bounce rate là một chỉ số thống kê, dùng để phản ánh hiệu quả lưu lượng khách truy cập trang web của bạn. Do đó, các bạn không nên nhầm lẫn bounce rate với các yếu tố ảnh hưởng đến thứ hạng SEO.

Các bạn cũng yên tâm là Google cũng không dùng dữ liệu từ Google Analytics để sắp xếp thứ hạng kết quả tìm kiếm. Nhưng nếu trang của bạn có tỷ lệ bounce rate cao, người dùng từ trang tìm kiếm chuyển đến trang web của bạn rồi quay trở lại kết quả tìm kiếm. Điều này phản ánh nội dung của bạn không thực sự phù hợp với kết quả tìm kiếm. Đây là một dấu hiệu xấu cho việc SEO của bạn.

Làm gì khi tỷ lệ bounce rate cao?

Nếu trang web của bạn có tỷ lệ bounce rate cao thì cũng không hẳn là xấu. Điều này phù thuộc vào loại trang web của bạn. Nếu website của bạn phụ thuộc vào việc cần người dùng xem nhiều trang thì tỷ lệ bounce rate cao là xấu. Ví dụ như nếu trang chủ của bạn là cổng đến cho các phần còn lại của trang web (như sàn thương mại điện tử, các bài viết tin tức, trang sản phẩm,…) và với tỷ lệ người xem trang chủ cao, bạn sẽ cần có tỷ lệ bounce rate thấp.

Ngược lại, nếu trang web của bạn cung cấp các nội dung đơn như blog, hoặc nội dung dạng đơn lẻ khác thì bounce rate cao là việc bình thường nhé. Phần tiếp theo sẽ chia sẽ các mẹo giúp bạn giảm tỷ lệ thoát.

Làm sao để giảm tỷ lệ bounce rate?

Để giảm tỷ lệ thoát trang của bạn, trước hết bạn cần xem xét kỹ lưỡng từ nhiều phương diện, từ đó xác định nguyên nhân gây vấn đề. Hãy phân tích kỹ các báo cáo trong Analytics:

  • Báo cáo Tổng quan về đối tượng cung cấp tỷ lệ thoát tổng thể cho trang web của bạn.
  • Báo cáo Kênh cung cấp tỷ lệ thoát cho từng nhóm kênh.
  • Báo cáo Tất cả lưu lượng truy cập cung cấp tỷ lệ thoát cho từng cặp nguồn/phương tiện.
  • Báo cáo Tất cả các trang cung cấp tỷ lệ thoát cho các trang riêng lẻ.
Google Analytics report

Nếu tỷ lệ thoát tổng thể của bạn cao, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn để xem liệu tỷ lệ đó là cao đồng đều hay kết quả đó chỉ có ở một số mục như một hoặc hai kênh, cặp nguồn/phương tiện hoặc chỉ một vài trang.

Nếu một kênh cụ thể có tỷ lệ thoát cao, hãy xem xét các nỗ lực tiếp thị của bạn cho kênh đó, ví dụ: nếu người dùng thoát khỏi trang sau khi truy cập thông qua Hiển thị, hãy đảm bảo rằng quảng cáo của bạn có liên quan đến nội dung trang web.

Ngoài ra, các mẹo sau đây cũng giúp bạn cải thiện tỷ lệ phiên thoát:

  • Cải thiện UI/UX: Nâng cao trải nghiệm giúp khách tương tác nhiều hơn với trang web của bạn.
  • Cải thiện tốc độ tải trang: Rõ ràng là mọi người sẽ đều thiếu kiên nhẫn với một trang web tải quá chậm. Tốc độ tải trang tối ưu bạn nên có là khoảng dưới 3 giây. Bạn có thể sử dụng Pingdom hoặc công cụ PageSpeed Insight để kiểm tra trang web.
  • Sử dụng video: Video mang lại trải nghiệm phong phú và nâng cao mức độ tương tác. Bạn có thể thêm vào một vài nút hành động bên cạnh video.
  • Cải thiện tính dễ đọc. Nội dung trong trang web của bạn cần mạch lạc và rõ ràng.
  • Tập trung vào đối tượng cụ thể. Rõ ràng là nội dung trong web của bạn không phải dành cho tất cả mọi khách truy cập, do vậy hãy lên chiến lược nội dung tập trung vào đối tượng cụ thể nhằm nâng cao mức độ tương tác.

Kết luận

Bounce rate là một chỉ số thống kê quan trọng, dựa vào đó, chúng ta nắm bắt kỹ hơn về hành vi của người dùng khi truy cập trang web. Bạn có thể sử dụng nó để hiểu rõ hơn về mức độ tương tác của khách truy cập. Ngoài ra, dựa vào chỉ số này cũng giúp chúng ta xác định được những trang cần được xem xét cái thiện. Việc đáp ứng tốt các kỳ vọng của khách truy cập không những giúp cải thiện nguồn lưu lượng mà còn góp phần tăng độ độ uy tín trang web. Từ đó cũng giúp tăng thứ hạng kết quả tìm kiếm. Hãy sử dụng Google Analytics một cách thông minh.

5/5 - (13 votes)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận